KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ÐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26.3.1931 – 26.3.2023)
Năng động, sáng tạo, cống hiến vì cộng đồng
Năm 2022 và 2023, Bình Ðịnh có 3 bí thư Ðoàn cơ sở được Trung ương Ðoàn tặng giải thưởng Lý Tự Trọng. Ðây là những “hạt nhân” tiêu biểu trong công tác Ðoàn, có đóng góp nổi bật trên nhiều lĩnh vực.
Nhân ngày sinh nhật Đoàn năm nay, Báo Bình Định có cuộc trò chuyện với các cán bộ Đoàn đạt giải thưởng, đó là anh Đặng Tuấn Hải (Bí thư Đoàn BVĐK tỉnh, Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ tỉnh), Trần Quang Tiến (Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Agribio, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), Hồ Xuân Thuyết (Bí thư Đoàn phường Bình Định, TX An Nhơn).
Anh Đặng Tuấn Hải: Tự hào khi chăm lo cho sức khỏe cộng đồng
● Thưa anh, cơ duyên nào đã đưa anh đến với các hoạt động khám, chữa bệnh tình nguyện cho người nghèo?
– Năm 2012, tôi tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Huế, về công tác tại BVĐK tỉnh, rồi dần bén duyên với công tác Đoàn và các chương trình khám, chữa bệnh tình nguyện do đơn vị tổ chức.
Cũng trong năm đó, sau chuyến khám, chữa bệnh tình nguyện đầu tiên đến với bà con vùng cao xã An Toàn (huyện An Lão), tôi cảm thấy vui vì những gì mình học đã được áp dụng và mang lại lợi ích thiết thực nhất cho cộng đồng. Kể từ đó, tôi tích cực đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện và say mê với từng chuyến đi.
● Trong những chuyến khám, chữa bệnh tình nguyện, đâu là kỷ niệm đáng nhớ với anh?
– Để lại ấn tượng nhất với tôi là chuyến khám bệnh cho đồng bào Bana tại làng O2 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh). Khi ấy, người dân ở đây sống không có ánh điện, không có sóng di động, không có kiến thức về y học. Qua tìm hiểu, việc trị bệnh của người dân vẫn còn nhờ đến thầy mo, dùng lá cây, rễ cây rừng sắc nước uống theo dân gian.
Khi đến khám bệnh cho từng gia đình, bên cạnh việc hướng dẫn người dân tự phòng các bệnh thường gặp, hạn chế uống rượu, hút thuốc lá, các y, bác sĩ trong CLB Thầy thuốc trẻ còn tự phân loại từng túi thuốc theo bệnh lý, triệu chứng, ghi chú lại; hướng dẫn cho một số thanh niên biết chữ về công dụng của từng loại thuốc, cách uống để hướng dẫn lại cho những người dân khác, giúp họ có thói quen trị bệnh bằng thuốc.
Điều đáng trân trọng nhất của chuyến đi là khi ra về, nhiều người dân ra trước cổng làng đứng bắt tay, nói lời cảm ơn bằng tiếng Kinh lẫn tiếng Bana, tiễn đoàn đi một đoạn đường xa.
Qua từng chuyến đi như vậy, tôi và những y, bác sĩ trẻ khác tự hào vì được góp một phần sức trẻ, những kiến thức y học vào công tác chăm lo sức khỏe cộng đồng, nhất là cho những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn.
● Vừa làm chuyên môn khám, chữa bệnh, vừa đảm nhiệm công tác Đoàn giúp ích gì cho anh?
– Vừa là bác sĩ, Bí thư Đoàn BVĐK tỉnh, Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ tỉnh, tôi tận dụng được thế mạnh chuyên môn vào công tác Đoàn. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng mang lại lợi ích cho người dân; và ngược lại, tôi và các y, bác sĩ trẻ khác trong CLB có điều kiện thực tế để nâng cao chuyên môn, kỹ năng thực hành xã hội, ý thức tập thể và kỷ luật…
CHƯƠNG HIẾU – Báo Bình Định (Thực hiện)